Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang đẩy mạnh cuộc thanh tra liên ngành về sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ (vàng nhẫn, dây chuyền, lắc tay, kiềng…) trên cả nước.
Tính đến tháng 9-2016, trên cả nước có 43 tỉnh, thành đã thanh tra gần 1.300 đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng và xử phạt nhiều đơn vị vi phạm với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Ngoài ra, thời gian qua có 4.000 mẫu vàng bị tịch thu, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu… Các lỗi vi phạm chủ yếu là ghi nhãn hàng hóa không đúng, sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu, khối lượng hàng hóa không đạt.
Chủ tiệm vàng nói bị phạt oan
Cơ quan chức năng cho rằng việc xử phạt là đúng đối tượng, đúng quy định. Tuy nhiên, tại buổi hội thảo về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa diễn ra tại TP.HCM, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) Nguyễn Văn Dưng nhận xét: “Vừa qua khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đồng loạt, đã có không ít doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng bị phạt vì có nhiều sai phạm. Điều này tạo nên tâm lý lo lắng, bức xúc cho DN”.
Nhiều DN kinh doanh vàng cũng cho rằng họ đang bị phạt oan. Một chủ tiệm vàng tại huyện Long Thành, Đồng Nai bức xúc cho biết có hợp đồng mua vàng nữ trang từ các chành-lò sản xuất vàng. Khi bày bán, hàm lượng vàng của sản phẩm được ghi là 61% nhưng đoàn kiểm tra lấy mẫu cân thử thì phát hiện kết quả không đạt.
Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng việc phạt các tiệm vàng mới chỉ kiểm soát được phần ngọn chứ chưa quản lý được từ gốc. Ảnh minh họa: HTD
“Chúng tôi đã xuất trình bản công bố về chất lượng vàng cũng như hợp đồng gia công với chành nhưng vẫn bị phạt. Xin hỏi tại sao không phạt cơ sở sản xuất ra sản phẩm này mà lại phạt chúng tôi? Phạt như vậy có đúng quy định?” - chủ tiệm vàng này đặt câu hỏi.
Tương tự, ông Tuấn, chủ tiệm vàng ở quận 10, TP.HCM, cho rằng việc phạt các đơn vị kinh doanh vàng là bất hợp lý và đây là vướng mắc rất lớn mà đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng tháo gỡ.
Ông Tuấn nói: “Chúng tôi chỉ là một kênh phân phối hàng, không sản xuất trực tiếp thì tại sao lại bị xử phạt? Do đó chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng khi tiệm vàng cung cấp được bản công bố chất lượng và hợp đồng với nhà sản xuất thì phải truy trách nhiệm từ phía nhà sản xuất”.
Một số DN kinh doanh vàng khác thì đánh giá việc phạt các tiệm vàng mới chỉ kiểm soát được phần ngọn (lưu thông) chứ chưa quản lý được từ gốc (sản xuất và nhập khẩu vàng). Bởi hiện nay việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ không được kiểm soát chất lượng, trong khi nguyên tắc của quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phải quản lý từ gốc.
“Đó là chưa kể có nhiều tiệm vàng cất riêng những sản phẩm không đủ chất lượng để chờ nấu lại, không đưa vào lưu thông nhưng vẫn bị xử phạt” - một chủ tiệm vàng phản ánh.
Để không bị phạt, phải thay đổi
Trước bức xúc của người kinh doanh vàng, ông Phan Văn Đồng, Chánh Thanh tra Sở KH&CN TP.HCM, thừa nhận việc xử phạt các cơ sở kinh doanh vàng nữ trang khiến họ chịu thiệt thòi. Nhưng ông Đồng khẳng định: “Theo quy định của Nhà nước thì người bán hàng phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa khi họ kinh doanh, phân phối. Do đó, khi phát hiện sản phẩm vàng vi phạm về chất lượng, DN bán hàng chắc chắn bị xử phạt”.
Vẫn theo ông Đồng, trong trường hợp DN bán vàng có hóa đơn, công bố tiêu chuẩn, hợp đồng đầy đủ của nhà sản xuất thì đây là cơ sở để DN yêu cầu nhà sản xuất bồi thường. Trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận thì chủ tiệm kinh doanh vàng hoàn toàn có quyền đưa sự việc ra tòa.
Ông Đồng cũng nhấn mạnh tiệm vàng mua vàng từ khách hàng mà không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định.
Đồng quan điểm, luật gia Phan Thị Việt Thu, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng người bán hàng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Cụ thể, trong trường hợp bán vàng với thương hiệu của công ty mình trên sản phẩm vàng thì người tiêu dùng chỉ biết công ty mình, không biết chành là ai, ở đâu để đòi quyền lợi.
“Do đó để không bị phạt, khi mua vàng từ chành, các công ty kinh doanh vàng phải thỏa thuận rõ về chất lượng sản phẩm, kiểm định chất lượng, kiểm soát số sản phẩm... để ràng buộc trách nhiệm của nhau” - bà Thu khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam, phân tích không dễ dàng để có câu trả lời là trong các trường hợp trên thì phải phạt ai mới đúng. Song trong một chừng mực nào đó, khi đã trưng sản phẩm lên kệ thì người bán cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Ông Hải nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là để tránh bị xử phạt thì cả hệ thống sản xuất, kinh doanh buôn bán vàng phải thay đổi. Cụ thể chành phải nâng cao ý thức trong việc sản xuất ra những sản phẩm vàng nữ trang đúng hàm lượng, chất lượng. Phía tiệm vàng cũng phải kiểm tra sản phẩm khi nhập hàng để đảm bảo lô hàng mình đặt tại chành đúng hàm lượng như yêu cầu. Bản thân người mua vàng cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng, tức là chỉ mua hàng ở những tiệm vàng uy tín chứ không phải tiện đâu mua đó”.
Hàng ngàn sản phẩm vàng không đạt chuẩn Một chủ tiệm vàng ở quận 1, TP.HCM nêu thực tế hiện nay trên thị trường vẫn còn tồn tại hàng ngàn sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ được sản xuất theo tiêu chuẩn cũ, không đáp ứng được các quy định của Nghị định 24/2012. Nếu đem số vàng này nấu hoặc chế tác lại thì gây thiệt hại lớn cho DN do hao hụt hàm lượng vàng, tiền công thiết kế, nhân công. Từ đó chủ tiệm vàng này kiến nghị cơ quan chức năng cho phép các cơ sở kinh doanh vàng trang sức được phép đóng tên của cơ sở mình lên sản phẩm tồn kho. Tuy nhiên, ông Phan Văn Đồng, Chánh Thanh tra sở KH&CN TP.HCM, nói: Đối với những cơ sở chỉ có chức năng mua bán vàng thì hiện gặp khó với lượng vàng cũ. Những cơ sở này chỉ có thể nhờ hoặc liên kết với chành để chế tác lại. Bởi chắc chắn những DN mua bán thì không được phép sản xuất lại rồi ghi nhãn hiệu của mình vào để bán ra thị trường, vì trách nhiệm ghi nhãn là của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu. ___________________________________ Phải mua nguyên liệu trôi nổi Hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ của các DN chưa được tạo điều kiện phát triển tương xứng. Đơn cử như trong nhiều năm qua, các DN sản xuất kinh doanh vàng không được nhập khẩu vàng cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các DN cũng không thể vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh vàng trang sức. Điều này dẫn đến hiện tượng DN mua nguyên liệu trôi nổi và không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để sản xuất. Ông NGUYỄN VĂN DƯNG, Chủ tịch SJA |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét