Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Sử dụng doanh nghiệp 'sân sau' để tham nhũng

Sử dụng doanh nghiệp 'sân sau' để tham nhũng - 1

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hiện nay tham nhũng có sự cấu kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư, đó là những hiện tượng “sân sau”, “chủ nghĩa thân hữu”. Ảnh: Như Ý.

Béo bở doanh nghiệp “sân sau”

Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất bổ sung những quy định về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp... Theo đó, đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, dự thảo Luật PCTN quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư…

Tán thành với đề xuất trên, nhiều ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho hay, qua khảo sát, đánh giá của một số tổ chức trong và ngoài nước thì tình hình tham nhũng trong khu vực tư đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, các quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công… Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu chống tham nhũng trong khu vực tư.

Thực tiễn cho thấy, việc đưa, nhận hối lộ để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh xảy ra ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả các công ty TNHH hoặc công ty tư nhân, là công ty “sân sau” được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư và một số loại hình tổ chức xã hội là chưa phù hợp. Thực tiễn cho thấy, việc đưa, nhận hối lộ để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh xảy ra ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả các công ty TNHH hoặc công ty tư nhân, là công ty “sân sau” được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, sự gắn bó của các doanh nghiệp tư nhân đối với các quan chức nhà nước đôi khi được dựa trên quan hệ thân quen, người nhà - chủ nghĩa thân hữu. Do được quan chức “đỡ đầu” nên các công ty thân hữu có thể giành hết các hợp đồng béo bở, giống như việc bác sỹ có phòng khám tư nhân thì tìm cách chuyển bệnh nhân giàu có từ các bệnh viện công về. “Chủ nghĩa thân hữu” đã làm méo mó các quan hệ thị trường, nghiêm trọng hơn làm tha hóa, biến chất hệ thống công quyền nên cần phải có giải pháp”, bà Thúy nói.

Ông Trương Trọng Nghĩa, ủy viên Ủy ban Tư pháp cũng cho hay, khuyến cáo của quốc tế là cần chống tham nhũng cả khu vực tư. Vì hiện nay tham nhũng có sự cấu kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư. Đó là những hiện tượng “sân sau”, “chủ nghĩa thân hữu”... Do đó, dự thảo Luật PCTN sửa đổi phải chú ý đến quan hệ công - tư trong công tác PCTN.

Thiếu cơ chế xử lý tài sản kê khai không trung thực

Đề cập việc xử lý tài sản kê khai không trung thực, báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp khẳng định, đây là một trong những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng chưa làm rõ trong các tài sản phải kê khai này đã tính đến các khoản chi tiêu của các cá nhân, người có chức vụ quyền hạn hay chưa? Thực tế theo nhóm nghiên cứu, hiện nay nhiều gia đình của cán bộ, công chức cho người thân đi học, đi du lịch, mua sắm, chữa bệnh ở nước ngoài… Chi phí cho những việc trên là rất lớn, nếu không được tính vào tài sản, thu nhập thì sẽ không phản ánh đúng thực chất về tài sản, thu nhập của người kê khai.

Về việc công khai bản kê tài sản, thu nhập, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, cả hai phương án mà dự thảo luật đưa ra đều rất hình thức, chỉ có công khai trong hội nghị, trong cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Như vậy, người dân và các phương tiện thông tin đại chúng sẽ không biết để giám sát. Bà Thúy đề nghị nghiên cứu cách thức công khai cho phù hợp, đồng thời cần nghiên cứu có phương án kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó tài sản của công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn.

Một nội dung khác cũng được bà Thúy lưu ý là tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Theo bà Thúy đây đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri và toàn xã hội. Tuy nhiên, các quy định về công khai, minh bạch, quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị được đề cập trong dự thảo luật chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính chủ động công khai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét