Thị trường bất động sản vừa có dấu hiệu phục hồi cũng là lúc các “cò” tung chiêu để làm loạn giá nhằm kiếm lời.
Tuy nhiên, theo bật mí của Hùng – đại diện trung tâm môi giới nhà đất khu vực này thì lượng mua “thật” vẫn rất thấp, còn lại là toàn các “cò” tự mua với nhau để đẩy giá. Theo Hùng chỉ cần đẩy lòng vòng qua 3 – 4 trung tâm môi giới là căn nhà có giá chênh cả trăm triệu đồng. Người mua chỉ thấy giá tăng, nhà giao dịch bình thường và bán được là “trúng kế” của cò ngay.
Khác với kiểu buôn bán lòng vòng của các trung tâm môi giới bất động sản các DN lớn lại tung ra chiêu đổi tên dự án để dễ bán. Theo đó, các chủ đầu tư thường chọn những tên nghe có vẻ… “Tây”, hoặc gắn cho những cái mác nghe rất kêu, kiểu Landmark, Tower, City… Tiêu biểu cho trào lưu này là Dự án Chung cư Tân Tây Đô (Hoài Đức, Hà Nội) được đổi tên thành Khu căn hộ Xphomes. Sau màn đổi tên “lạ” này dự án lại… bán được.
Học theo cách này, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát tuyên bố mở bán hàng trăm căn hộ Dự án HP Landmark Tower tại Hà Đông (Hà Nội), với mức giá 17,3 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT, nội thất đầy đủ). Thế nhưng đây thực chất là tên gọi mới của Toà nhà CT3 trong Tổ hợp chung cư The Pride (Khu đô thị mới An Hưng, Hà Đông) do Hải Phát làm chủ đầu tư từ năm 2009 và giá của nó trước đó cũng chỉ từ 15 – 16 triệu đồng/m2 mà thôi.
Hay Dự án Phuc Ha City Garden của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (IPACO) được đổi thành Thăng Long Victory; Dự án chung cư AZ Vân Canh đang được một siêu thị bất động sản gọi với tên mới là CT Number One Vân Canh; Dự án Alaska Garden City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới được FLC Group mua lại và đổi tên thành FLC Garden City…
Lý giải cho hành động ngược này nhiều chủ đầu tư cho rằng, họ đổi tên vì phong thủy? Song, cũng không ít người thẳng thắn cho biết, họ đổi tên để tránh tiếng xấu và những dư âm không tốt của cái tên cũ, thậm chí là việc lấy các tên “Tây” khiến người mua nhà nghĩ rằng đây là một dự án liên doanh với nước ngoài... và nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ, chỉ nhìn vào giá bán cũng rất dễ bị nhầm.
Chấp nhận “ăn ít” tại một số dự án nhiều chủ đầu tư đã để mặc cho đội ngũ môi giới thoải mái tung hứng, làm giá. Theo cách thức này, chủ đầu tư liên kết với đội ngũ môi giới, các sàn giao dịch để đưa ra giá “gốc” rồi mặc kệ các nhà môi giới tung hứng. Chủ đầu tư sẽ tăng hay giảm giá thậm chí thông báo “hết hàng” theo yêu cầu của các nhà môi giới để tạo những cơn “khát ảo”.
Hệ quả của các đợt làm giá này là trong vài tháng gần đây, tại một số dự án ở các quận Hai Bà Trưng, Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa… đã xuất hiện tình trạng tăng giá ảo. Giá bán căn hộ tại nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội đã tăng đáng kể, như Dự án Xuân Mai Tower (Hà Đông) tăng 20 - 70 triệu đồng/căn, tùy diện tích và tầng cao; Victoria Văn Phú (Hà Đông) tăng 25 - 30 triệu đồng/căn; Dự án Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) tăng 30 - 150 triệu đồng/căn… Không ít người có nhu cầu mua nhà thực sự đã phải mua với giá bán “chênh” khá cao thông qua liên minh các sàn giao dịch này.
Theo các chuyên gia về bất động sản thì tình trạng làm giá và tạo nhu cầu ảo là có thật và rất khó để ngăn chặn bởi hiện không có chế tài đối với hoạt động này. Tuy nhiên, chính những “tật xấu” này đã đẩy thị trường bất động sản lâm vào tình trạng đóng băng thời gian qua.
Bởi vậy, để tránh tình trạng này, người mua nhà phải cảnh giác trước các nguồn tin, tìm hiểu kỹ càng về dự án, các tiến độ bàn giao nhà, triển khai dự án, đóng tiền… Còn các cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng các thiết chế chống tình trạng làm giá, đẩy giá trong thị trường bất động sản. Chỉ có như thế thì thị trường bất động sản mới có thể phát triển bền vững.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét