Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Những doanh nhân "quá tuổi nghỉ hưu" lớp trẻ "đuổi không kịp"!

Doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT

Nhắc đến vấn đề về tuổi, ông Trương Gia Bình trở thành tâm điểm trong những ngày gần đây khi ông đã bước sang tuổi 60 và bị nhân viên của mình hát chế giục ông về hưu trong gala mừng sinh nhật FPT hôm 13/09.

Ông Trương Gia Bình cùng các cộng sự của mình thành lập FPT từ năm 1988 với chỉ 13 nhân viên, đến nay FPT đã có quy mô nhân sự lên đến 27 nghìn người, hoạt động ở 4 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ; Viễn thông; Phân phối – bán lẻ; Giáo dục. Năm 2015, tập đoàn này đạt doanh thu lên đến 40.000 tỷ đồng.

Những doanh nhân "quá tuổi nghỉ hưu" lớp trẻ "đuổi không kịp"! - 1

Ngoài việc trở thành ông lớn số 1 về công nghệ trong nước, FPT đã hiện diện ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2016, tạp chí Forbes Việt Nam xếp FPT trong Top 5 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam.

Xét về độ tuổi, ở tuổi của ông chưa phải là đã già nếu so với hàng loạt doanh nhân tên tuổi khác. Tuy nhiên, một tập đoàn về công nghệ luôn cần những ý tưởng táo bạo mới từ những người trẻ tuổi năng động. Trong khi đó, câu chuyện chuyển giao thế hệ đã được FPT đặt ra trong 10 năm qua. Cho dù thế nào, Chủ tịch Trương Gia Bình vẫn đang là linh hồn, là thuyền trưởng của FPT.

Doanh nhân Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk

Mặc dù đã 63 tuổi, nhưng bà Mai Kiều Liên vẫn được tín nhiệm giữ chức Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Bà từng kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này từ năm 2003 đến năm 2015.  Bà là người Việt Nam duy nhất trong số 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á bình chọn bởi Forbes.

Dưới sự điều hành của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk (VNM) niêm yết cổ phiếu lần đầu vào năm 2006 với 159 triệu cổ phiếu, sau 10 năm VNM đã tăng gấp 10 lần quy mô vốn lên 1.451 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong cả quá trình tăng vốn, chỉ hai lần VNM huy động vốn từ cổ đông và nhà đầu tư mới với tổng khối lượng hơn 25 triệu cổ phiếu. Còn lại phần lớn là Công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Năm 2009, VNM phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 để thưởng, liên tiếp 2 năm 2011 và 2012 chia thưởng cp tỷ lệ 50% và trong 3 năm gần đây 2014 – 2016 duy trì tỷ lệ thưởng 20%. Bên cạnh cổ phiếu thưởng, Vinamilk còn khiến cổ đông hài lòng với mức cổ tức tiền mặt bình quân 35,4% mỗi năm, điều này đồng nghĩa với việc hằng năm Công ty chi ra khoảng hơn 2.200 tỷ đồng để chia lại cho cổ đông.

Như vậy, tính một cách tương đối, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VNM (tương ứng với mức vốn bỏ ra ban đầu là 53.000 đồng/cp) kể từ buổi đầu niêm yết cho đến nay đều đã tăng lên gần 10 cổ phiếu (trị giá 1,4 triệu đồng, khoảng 140.000 đồng/cp) và hưởng cổ tức tiền mặt tổng tỷ lệ 354% (3,54 triệu đồng). Nói cách khác, nếu bỏ ra 53.000 đồng để mua 1 cổ phiếu VNM từ thời điểm chào sàn, đến nay cổ đông đã bỏ túi tới 4,94 triệu đồng.

Những doanh nhân "quá tuổi nghỉ hưu" lớp trẻ "đuổi không kịp"! - 2

Trải qua 10 năm niêm yết, VNM đã nhân gấp 8 lần tổng mức doanh thu từ 5.659 tỷ đồng năm 2005 lên 40.223 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015, lãi ròng tăng trưởng gấp gần 12 lần từ mốc 605 tỷ lên 7.770 tỷ đồng. VNM cũng đang có một cơ cấu vốn ở mức an toàn, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trong 3 năm gần đây duy trì quanh ngưỡng 30%.

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, Vinamilk giữ vị trí dẫn đầu thị trường ngành sữa nước với hơn 50% thị phần. Bên cạnh duy trì thị trường truyền thống tại khu vực Trung Đông và Đông Nam Á, Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh các thị trường ở khu vực châu Phi và cả những thị trường khó tính đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như Nhật Bản, Canada, Mỹ. Vinamilk đến nay đã có 3 công ty con gồm Driftwood (Mỹ), Angkor Dairy Products Co., Ltd (Campuchia), Vinamilk Europe Spostka Z Ograniczona Odpowiedzialnoscia (Ba Lan) và một đơn vị liên kết là Miraka Limited (New Zealand) vừa sản xuất, vừa phân phối sản phẩm sữa ở thị trường nước ngoài.

Bà Mai Kiều Liên từng chia sẻ với báo chí vào tháng 8/2016 rằng để hoàn thành giấc mơ trở thành 1 trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 thì việc đầu tư ra nước ngoài là chiến lược chính trong thời gian tới.

Doanh nhân Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco

Bà Vũ Thị Thuận năm nay cũng vừa tròn 60 tuổi, bà trở thành  Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Traphaco vào năm 2003, Tổng giám đốc Traphaco năm 2011 và Chủ tịch HĐQT Traphaco từ năm 2013.

Ghế Chủ tịch HĐQT từ lâu đã bị nhòm ngó bởi SCIC khi cổ đông nhà nước muốn đưa người của mình vào thế chân bà Thuận. Tuy nhiên, tại Traphaco, bà Thuận được coi là “linh hồn” của công ty này cho dù cơ cấu cổ đông của công ty hiện nay đã khá đa dạng với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông nhà nước là SCIC. Tại ĐHCĐ năm 2016, bà được cổ đông tín nhiệm bầu lại vào chức Chủ tịch nhiệm kỳ 2016-2020 với tỷ lệ phiếu tín nhiệm lên đến 98,65%.

Tỷ lệ trên cho thấy bà Thuận rõ ràng đã giành được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người hiểu rất rõ về vai trò của bà trong những thành công của Traphaco. Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu 35,67% vốn cổ phần của Traphaco, SCIC vẫn nắm quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng của công ty theo nội dung điều lệ này.

Những doanh nhân "quá tuổi nghỉ hưu" lớp trẻ "đuổi không kịp"! - 3

Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 6,38% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 16,6%. Traphaco cũng đặt kế hoạch doanh thu là 2.100 tỷ đồng, tăng trưởng 6,38%, trong đó doanh thu thuốc sản xuất và thuốc do Traphaco phân phối độc quyền sẽ tăng trưởng 12,02%. Traphaco đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2016 đạt 210 tỷ đồng, tăng trưởng 16,67%.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 tại Nha Trang, đến năm 1974 sang định cư tại Philippines. Ông được biết đến là ông trùm buôn hàng hiệu ở Việt Nam. Hệ thống Imex Pan Pacific (IPP) do ông làm chủ hiện là nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… cũng như là đối tác nhận nhượng quyền của nhiều chuỗi nhà hàng như Thai Village, Illy Café, Burger King, Domino Piazza…

Vợ và các con của ông hiện cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh của IPP. Ngoài ra chị em gái của ông cũng đang là người điều hành chuỗi siêu thị Citimart và Maximark.

Những doanh nhân "quá tuổi nghỉ hưu" lớp trẻ "đuổi không kịp"! - 4

Gần đây, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với việc ông cùng 3 cổ đông là các nhà đầu tư nổi tiếng đến từ Mỹ đã đề xuất lên UBND TP HCM đầu tư dự án 4 tỷ USD tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Dự án là tổ hợp gồm một tòa tháp cao 70 tầng cùng nhiều tòa nhà thấp và khu thương mại văn phòng, mua sắm, vui chơi giải trí khép kín.

Doanh nhân Trần Thị Hường: Tập đoàn Hoàn Cầu, ngân hàng Nam Á

Doanh nhân gốc Bình Định Trần Thị Hường (Tư Hường) năm nay vừa tròn 80 tuổi. Tuổi trẻ bà từng phải đi ở, đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, sau khi lấy chồng bà chuyển sang làm công nghiệp, sau đó phất lên nhờ buôn bán bất động sản.

Hai thương vụ ghi dấu ấn trong giới của bà Tư Hường là vào đầu những năm 90 với việc đầu tư nhà máy bia tại Khánh Hòa sau đó bán lại cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD, kiếm lãi 5 triệu USD. Không lâu sau đó bà tiếp tục xây nhà máy Sài Gòn Cola tại Tp.HCM sau đó chuyển nhượng lại cho Coca-Cola với giá 15 triệu USD.

Những doanh nhân "quá tuổi nghỉ hưu" lớp trẻ "đuổi không kịp"! - 5

Cùng với chiến lược trên, bà Tư Hường tiếp tục xây và bán nhà máy nước tăng lực Lipovitan với giá khoảng 17 triệu USD. Hiện gia đình bà chủ yếu kinh doanh bất động sản (Chung cư Saigonland-Điện Biên Phủ, Chung cư cao cấp Cantavil- Hoàn Cầu,…); Du lịch khách sạn (Diamond Bay City, Diamond Bay Gofl & Villas,..); Xây dựng- sản xuất, hạ tầng- khu công nghiệp; Truyền thông- y tế- giáo dục (Đại học Quang Trung, Saint Luke). Trước đây, bà được nhắc đến nhiều nhất với vai trò là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á, nhưng hiện nay bà đã rút lui và chỉ đóng vai trò làm cố vấn HĐQT, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàn Cầu với 8 công ty thành viên. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của bà tại Nam Á Bank vẫn còn lớn.

Doanh nhân Đỗ Minh Phú, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Chủ tịch Tiephong Bank

Ông Đỗ Minh Phú, 64 tuổi, được biết đến chủ yếu với vài trò là Chủ tịch của Doji Group, một doanh nghiệp lớn chuyên về kinh doanh vàng bạc đá quý. Tại Doji Group, cá nhân ông Đỗ Minh Phú sở hữu 70% cổ phần, 30% còn lại được chia đều cho hai người con của ông Phú là bà Đỗ Vũ Phương Anh và ông Đỗ Minh Đức, cả hai đều là Phó TGĐ Doji Group.

Những doanh nhân "quá tuổi nghỉ hưu" lớp trẻ "đuổi không kịp"! - 6

Ông Đỗ Minh Phú và vợ trong tiệc mừng sinh nhật lần thứ 62.

Doanh thu của Doji tăng trưởng mạnh kể từ năm 2007 khi mua lại 2 công ty vàng bạc, đá quý của SJC là SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng và biến chúng trở thành công ty con của Doji. Những động thái này giúp ông Phú nhanh chóng giành lấy vị trí dẫn đầu thị trường phân phối vàng miếng và đá quý ở miền Bắc và miền Trung, trên cả 2 kênh bán sỉ và bán lẻ (hơn 100 đại lý lớn).

Ông Đỗ Minh Phú còn đại diện Doji nắm 8% cổ phần tại TienphongBank, em trai ông là Đỗ Anh Tú cũng nắm 5% cổ phần Tienphong Bank. Hai người lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.

Ông Đỗ Minh Phú còn là Chủ tịch HĐQT Artex Saigon, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

TP.HCM: Biệt thự, nhà liền kề giao dịch thành công tăng kỷ lục

Cụ thể, theo Savills trong quý 3/2016 nguồn cung từ 6 dự án biệt thự/nhà liền kề và giai đoạn mới của 5 dự án hiện hữu cung cấp thêm cho thị trường sơ cấp khoảng 1.100 căn. Nhờ sự hoạt động tốt của các dự án mới, lượng giao dịch quý 3 tăng 49% theo quý và 193% theo năm, trong đó giao dịch nhà liền kề chiếm 71% tổng giao dịch.

Trong quý 3 này, Quận 2 và Quận 9 tiếp tục có tình hình hoạt  động tốt nhất, chiếm 51% tổng lượng giao dịch. Thuận lợi của 2 quận này còn đến từ hạ tàng phát triển và quy hoạch đô thị tốt tại khu Đông Thành phố. Dự án có giá bán hợp lý, đa dạng tiện ích và chủ đầu tư uy tín thu hút nhiều người mua.

TP.HCM: Biệt thự, nhà liền kề giao dịch thành công tăng kỷ lục - 1

 Giao dịch biệt thự, nhà liền kề tại TP.HCM trong quý 3 đạt mức kỷ lục, theo Savills Việt Nam.

Với thị trường văn phòng cho thuê, tổng nguồn cung trong quý này đạt 1,58 triệu m2. Trong đó có 1 dự án hạng C gia nhập thị trường và 1 dự án hạng B tạm ngừng hoạt động. Nguồn cung mặt bằng văn phòng này được đánh giá là ổn định và sẽ khan hiếm trong tương lai.

Công suất trung bình tăng 1% theo quý và 5% theo năm, đạt 98%. Giá thuê trung bình tăng 1% theo quý và 5% theo năm. Phân khúc tiêu thụ chủ yếu đến từ các dự án hạng B và C, chiếm 97% tổng lượng tiêu thụ mới trong quý. Trong khi đó, văn phòng hạng A hoạt động tốt nhất với giá thuê tăng 4% theo quý, đạt 1,07 triệu đồng/m2 (tương đương 48USD/m2/tháng).

Thị trường căn hộ trong quý 3 vừa qua chứng kiến giao dịch tăng mạnh loại căn hộ hạng C. Nguồn cung 4.600 căn đến từ 11 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 1 dự án hiện hữu được mở bán. Nguồn cung này đã giảm gần 1 nửa so với quý. Cũng theo Savills, tổng nguồn cung sơ cấp đạt hơn 40.300 căn hộ trong tất cả phân khúc.

Nhờ vào tình hình hoạt động tốt của phân khúc căn hộ hạng A và hạng C nên tỷ lệ hấp thụ trong quý này đạt 19%, tăng 2% theo quý và theo năm. Lượng giao dịch ở phân khúc căn hộ hạng C tăng mạnh, khoảng 15% theo quý. Trong khi đó, hạn B giảm 12% sau khi tăng liên tiếp trong 6 quý gần đây.

Savills dự báo, từ quý 4/2016 đến năm 2018 sẽ có hơn 50.000 căn hộ gia nhập thị trường. 

Trung Quốc xếp thứ 2 thế giới về số tỷ phú công nghệ

Theo danh sách 100 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới mới được tạp chí Forbes công bố, Trung Quốc đứng vị trí số 2 với 19 người. Con số này giúp quốc gia tỷ dân ở châu Á chỉ đứng sau Mỹ (với 51 tỷ phú) và vượt xa những quốc gia còn lại như Canada ở vị trí số 3 với 5 người hay Đức vị trí thứ 4 với 4 người. 19 tỷ phú công nghệ Trung Quốc có tổng tài sản là 132.7 tỷ USD. 

Trung Quốc xếp thứ 2 thế giới về số tỷ phú công nghệ - 1

Jack Ma – nhà sáng lập tập đoàn Alibaba sở hữu số tài sản lên tới 25.8 tỷ USD (Ảnh: Businessinsider)

Trong số 10 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới, Trung Quốc có hai đại diện đều là những cái tên hết sức nổi tiếng: Jack Ma – nhà sáng lập tập đoàn Alibaba và CEO Ma Huateng (người được biết với biệt danh Pony Ma), CEO của Tencent - tập đoàn Internet lớn nhất nước này. Nếu Jack Ma sở hữu số tài sản lên tới 25.8 tỷ USD thì ông Ma Huateng cũng không hề kém cạnh với con số khủng 22 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, số lượng tỷ phú công nghệ của Trung Quốc sẽ có thể tăng trong những năm tới do thị trường nước này vẫn còn rất rộng mở cho lĩnh vực Internet. Các công ty dot.com của Trung Quốc không chỉ có tham vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước còn mở rộng ra nhiều thị trường quốc tế, thậm chí cả ở Mỹ.

Đây là năm thứ hai Forbes công bố danh sách 100 tỷ phú công nghệ trong bối cảnh những ông chủ các công ty Internet khiến người nhiều choáng váng vì số tài sản vừa nhiều vừa tăng nhanh.

Thống kê cho thấy, tổng tài sản của 100 tỷ phú này lên tới 892 tỷ USD, tăng 6% so với năm ngoái. Một điểm đáng chú ý nữa là đã có 53 tỷ phú mới trong top 100 và 27 người bị bật ra khỏi nhóm. 

Trung Quốc xếp thứ 2 thế giới về số tỷ phú công nghệ - 2

Bill Gates giữ ngôi vị số 1 trong danh sách 100 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới với khối tài sản 78 tỷ USD

Vững vàng ở ngôi số 1 trong danh sách này là Bill Gates. Ông chủ Microsoft đang sở hữu khối tài sản lên tới 78 tỷ USD. Từ khi nói lời chia tay với Microsoft vào đầu năm 2014, Bill Gates tập trung vào các hoạt động của quỹ Bill & Melinda Gates. Hiện số cổ phiếu tại Microsoft của ông chiếm khoảng 15% khối tài sản kếch xù của vị tỷ phú này.

Nhà sáng lập và CEO của Amazon, Jeff Bezos ở vị trí số 2 với 66,2 tỷ USD trong khi ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg xếp ở vị trí số 3 với khối tài sản lên tới 54 tỷ USD. Với đà phát triển của Facebook trong thời gian qua, nhiều người cho biết, con số 54 tỷ USD sẽ sớm thay đổi trong một thời gia ngắn tới đây.   

Giá vàng chiều 12/10: Lập đỉnh mới

Giá vàng chiều 12/10: Lập đỉnh mới - 1

Giá vàng chiều 12/10 lập đỉnh mới, khi tăng mạnh trong phiên buổi sáng lên 35,71 triệu đồng/lượng (Ảnh minh họa)

Cụ thể, lúc 13h15 chiều nay, giá vàng SJC trên hệ thống của SJC tại TP. HCM điều chỉnh giảm nhẹ 10 nghìn đồng hai chiều về 35,46-36,70 triệu đồng/lượng.

Trước đó, sau khi tăng mạnh liên tục trong phiên giao dịch buổi sáng nay, giá vàng SJC đã lập đỉnh mới tại mốc 35,47-35,71 triệu đồng/lượng, trước khi giảm nhẹ.

Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại đây được co về 240 nghìn đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn SJC cũng được giao dịch ở mức 35,50-35,85 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC chiều nay cũng được giao dịch ở mức cao là 35,46-36,72 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, tại hệ thống Doji Hà Nội, giá vàng SJC và giá vàng Doji chiều nay cũng giảm nhẹ 10 nghìn đồng về 35,56-35,63 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại đây co về 70 nghìn đồng mỗi lượng. Trước đó, trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng Doji cũng lập đỉnh mới tại 35,60-35,67 triệu đồng/lượng...

Cùng thời điểm, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay lúc 13h15 chiều nay (theo giờ Việt Nam) đã tăng 2,1 USD (0,17%) lên 1.254,5-1.255,5 USD/ounce. Mức giá cao nhất ghi nhận được từ lúc mở cửa là 1.258,3 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch sáng nay trên thị trường Châu Á,giá vàng thế giới lại người chiều giảm mạnh từ quanh ngưỡng 1.258 USD/ounce về sát ngưỡng 1.254 USD/ounce.

Tác động lên tâm lý thị trường là sự mạnh lên của đồng USD trước đồn đoán Fed có thể nâng lãi suất vào tháng tháng 12 tới. Dự kiến, cuối ngày hôm nay theo giờ địa phương, Fed sẽ công bố báo cáo sau cuộc họp chính sách. Báo cáo có thể sẽ tiết lộ thêm manh mối về quyết định của Fed.

Doanh nhân nhà băng sướng hay khổ

Doanh nhân nhà băng sướng hay khổ - 1

Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh tiền bạc. Ảnh: Như Ý.

Tiền bạc để làm gì?

Hôm nay là ngày doanh nhân Việt Nam (13/10). Nếu được hỏi nghĩ gì, âu có lẽ lúc này trong bốn bức tường, người thấm và buồn  nhất chính là ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Từng xuất hiện trong hình ảnh một doanh nhân thành đạt - nổi đình đám trên thương trường, thậm chí liên tục lọt Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, nhưng cuối cùng ông Thắm lại có một kết cục đáng buồn khi chuẩn bị đối diện với vô số tội danh và một bản án nghiêm khắc đang chờ đợi.

Những gì là sai và trái với pháp luật, ông Thắm phải gánh và “trả giá”, ấy là tất yếu. Nhưng ngay cả khi có tiền, hỏi ông này có sướng không? Một người quen của ông Thắm từng kể lại  chi tiết ngày ông Thắm mới bị bắt. Đó là làm doanh nhân, nhưng ông Thắm bận tối mắt mũi đến mức không có chút thời gian nào cho gia đình. Thậm chí đến cả sinh nhật vợ, người đã đồng cam cộng khổ cùng ông Thắm từ những ngày đầu, khi vợ ông nói chỉ có một ước muốn giản dị được ăn tối cùng chồng trong một nhà hàng ngay dưới Cầu Diễn mà ở đó trồng toàn hoa bưởi và sống trong mùi hương bưởi thì ông cũng thở dài mà động viên rằng: “Anh bận lắm, thôi để anh cho mua hoa bưởi về trải trong phòng tặng em”. Người quen này khi đó kể lại và nói: Làm doanh nghiệp như ông ấy thế sướng gì; tiền bạc để làm gì khi mà một chút thời gian dành cho gia đình gần như không có”.

Cữ áp Tết năm ngoái, trong một cuộc trò chuyện vui vẻ, ông chủ Geleximco kiêm Chủ tịch Ngân hàng An Bình (ABBANK) - doanh nhân Vũ Văn Tiền đã nói về sứ mệnh của những doanh nghiệp lớn. Ông Tiền  thừa nhận, về tiền bạc cá nhân ông và gia đình chẳng bao giờ phải lo nghĩ, tiêu bao nhiêu lâu cũng không hết. Nhưng ông phải làm, ngay cả lúc ốm nhất cũng nghĩ đến việc phải làm, không chỉ đơn giản là nghĩ đến đồng tiền của mình mà nghĩ đến việc phải có trách nhiệm với xã hội. 

“Nếu mọi người chỉ đơn giản nhìn vào và thấy chúng tôi kinh doanh để thu lợi nhuận là chưa đúng và đủ. Một doanh nghiệp khi đã lớn lên và vững vàng rồi, hơn cả đó là những gì cần phải làm và để lại cho xã hội (những năm qua ông Tiền và Tập đoàn làm từ thiện xã hội rất nhiều nhưng không công bố- PV). Bây giờ chỉ cần nghĩ, mình dừng lại, đằng sau lưng là cả một tập thể hàng ngàn con người rồi sẽ ra sao?”, ông Tiền khi đó nói.

Những “ông chủ” không ngày nghỉ

Nếu hỏi lĩnh vực nào hiện chịu áp lực và cường độ làm việc lớn nhất tại thời điểm này, có lẽ ngân hàng là một trong những nghề được chọn đầu tiên. Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh tiền bạc, thời gian và cơ  hội. Bao nhiêu năm làm việc với giới nhà băng, chứng kiến áp lực và cường độ của giới này, thực sự nhiều khi người bên ngoài phải ngả mũ.

Còn nhớ trong một dịp lễ tết gần đây, một ngân hàng tổ chức tiệc liên hoan nho nhỏ.  19  giờ tối, bên mời cáo lỗi, chủ tịch chưa đến được bởi lý do vẫn đang họp Hội đồng quản trị. Hơn 20 giờ, thấy vị chủ tịch vội bước vào cùng hai cán bộ cốt cán phòng khách hàng doanh nghiệp và thẩm định rủi ro. Chỉ ngồi đúng 30 phút, không kịp ăn uống gì, vị chủ tịch đứng lên chào tất cả.

Theo lịch đã định sẵn ông vừa kể, sẽ là rẽ qua nhà lấy bộ quần áo lễ phục tươm tất; rồi phi xe cùng hai cán bộ trên đến Thanh Hóa vào quãng 23 h đêm. Để 7 giờ sáng mai kịp dự một lễ khai trương của một đối tác lớn ngân hàng sẽ rót vốn cho vay.  Bảo lấy đâu sức mà làm việc nhiều thế? Vị này chỉ cười: “Công việc mà, quen rồi”. Còn giới nhân viên dưới quyền ông thì lắc đầu bái phục: “Có những ngày họp từ 8 giờ sáng đến tối khuya tới 5-6 cuộc họp với đủ các phòng ban bảo vệ kế hoạch năm. Vậy mà choáng nhất là “sếp” nhớ vanh vách từng đầu việc, từng con số, cấm bỏ qua tí nào”.

Hơn hai năm thi thoảng mới gặp, đã thấy thành viên HĐQT một ngân hàng cổ phần lớn tóc bạc trắng đầu. Đùa “anh tuổi trẻ tài cao sao bạc tóc sớm vậy?”, ông chỉ cười kể: “Triền miên là họp, họp nhiều đến nỗi bạc cả tóc”. Nói rồi cũng trải lòng: Công việc áp lực ghê gớm họp đã đành, rồi còn lo áp lực kế hoạch kinh doanh, lo quan hệ khách hàng, lo đối nội đối ngoại trăm bề đủ thứ. Chưa kể, không cẩn thận chỉ cần sai một ly có thể đi cả vạn dặm.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây, qua điện thoại, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPbank ngày nào nay đã “giã từ”  làng bank chuyển sang kinh doanh giáo dục (ông Sơn hiện là Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam) bảo: “Giờ anh thấy thoải mái lắm. Sáng đến trường làm quản lý, sắp xếp mọi việc; chiều rảnh thì đi đánh golf. Làm giáo dục, lợi nhuận thì không bằng làm ngân hàng nhưng nhẹ đầu em ạ”. Ông Sơn thừa nhận giờ nghĩ lại thời ở ngân hàng, đúng là đủ thứ áp lực, tiền nhiều hơn nhưng rủi ro cũng cao hơn. 

Phía sau một trong những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh

Phía sau một trong những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh - 1

Có một người phụ nữ "biết bay", được Tạp chí Forbes bình chọn trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, với khối tài sản ước tính cả tỷ USD. Người chưa gặp dễ hình dung về một người đàn bà “thép” đầy uy quyền. Vậy mà ngược lại, phía sau người phụ nữ ấy lại là những câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình người trong cả công việc và cuộc sống đời thường.

Bàn tay sắt bọc nhung

Hôm đó, một cơn mưa vừa dứt, trời se lạnh. Tôi chứng kiến một cảnh khó quên: Một bà chủ quyền lực được xếp hạng top 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh ngồi bên bếp lửa bập bùng trong một căn bếp đơn sơ nói chuyện cùng ông lão người thiểu số ở Hòa Bình. Ông lão hỏi: “Cháu được đi TP HCM chưa. Xa lắm nhỉ. Nghe nói phải ngồi máy bay nữa!”.

Tôi không biết bà Nguyễn Thị Phương Thảo (bà chủ Hãng hàng không Vietjet Air, HD Bank và nhiều doanh nghiệp khác) nói gì. Chỉ thấy sau khi tạm biệt, ông lão (là thầy cúng, rất quý chiếc áo hành lễ) lấy chiếc áo vẫn dùng đi hành lễ tặng bà Thảo. Người phụ nữ quyền lực hôm ấy cũng vào thăm một lớp học, ôm lũ trẻ nhem nhuốc và hát tặng chúng một cách tự nhiên. Các thầy cô trong ngôi trường trên rẻo cao ấy không ai biết bà Thảo làm nghề gì. Họ chỉ nghĩ đơn giản, đó là một mạnh thường quân có tấm lòng thơm thảo về trường tặng quà cho học sinh nghèo.

Bà Thảo có sở thích đặc biệt với màu trắng nhẹ nhàng thanh khiết. Dáng vóc mảnh mai và trẻ hơn nhiều so với tuổi. Sở thích về màu sắc và vóc dáng dường như cũng nói lên cách điều hành doanh nghiệp của bà. Thật là một nhận diện khác hẳn với danh xưng bà chủ lớn. Ấy vậy mà, để đưa được những chiếc máy bay sơn màu quốc kỳ Việt Nam lên bầu trời nội địa, quốc tế và tham vọng vươn xa hơn, không phải chuyện đơn giản. Thời điểm đó, bài học từ thất bại của những hãng bay nội địa khiến dân trong nghề với ánh mắt nghi ngại, thốt lên: “Ðể rồi xem”. Trong khi đó người phụ nữ vận váy voan trắng và cộng sự đưa ra những ý tưởng trang phục của tiếp viên thật lạ lẫm và lãng mạn. Nữ tiếp viên Vietjet đội mũ ca-lô, quần sóc như hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào 5 cửa ô của mùa Thu lịch sử. Trang phục này đã quen thuộc trên từng chuyến bay hôm nay và đặc biệt được đánh giá cao trong giới hàng không quốc tế: Thanh lịch, hiện đại, tiện dụng và giàu bản sắc…

Nhiều lần, tôi cứ tự hỏi, người phụ nữ dáng vóc mong manh ấy giấu quyền lực ở đâu? Ở số tài sản mà người ta nói kếch sù với cả trăm máy bay đặt hàng, hay những công ty đình đám khác? Tôi ngỡ phải chứng kiến nhiều cuộc thét ra lửa, nhưng rõ ràng không dưới vài lần được chứng kiến người phụ nữ này tập hát say sưa trên ô tô riêng để kịp thuộc lời hát tặng nhân viên. Như buổi sáng đi làm từ thiện khởi hành sớm, bà cũng ăn vội miếng bánh mỳ như ai. Người lái xe riêng của bà Thảo nói: “Tôi lái cho Madam (một cách nói kính trọng) hơn 25 năm rồi, từ khi đứa con đầu của tôi mới sinh. Nay cháu đã thành nhân viên thuộc ngân hàng của Madam cũng đã lấy chồng là cán bộ ngân hàng, sinh cho tôi đứa cháu kháu khỉnh”.

“Tôi đã làm công việc này với tất cả niềm đam mê từ trái tim mình. Trái tim của một người phụ nữ mong muốn khách hàng và nhân viên được chăm sóc như từ bàn tay người mẹ, người vợ, người em dành cho người thân của mình, để có những chuyến đi tới nơi về tới chốn, an toàn, mạnh khỏe, vui vẻ, được chăm chút”. 

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong một buổi tiệc lớn cuối năm của công ty, người ta háo hức chờ nữ chủ nhân ra tuyên bố khai mạc trịnh trọng. Ðâu đó ở cuối hội trường, bà Thảo đẩy chiếc xe phục vụ bữa ăn trên máy bay từ từ tiến vào. Bà lần lượt phục vụ từng nhân viên suất ăn của đêm hôm ấy. Nhạc trong bữa tiệc nhộn nhịp là thế mà bỗng dưng mọi người lặng đi. Nghe nói, có những giai đoạn khó khăn khi Vietjet mới thành lập. Nhân viên chưa quen việc, nhiều người vẫn thấy một người phụ nữ tươi tắn đi hỏi han cấp dưới làm việc vất vả không, tự tay lau hút bụi trên tàu bay.

Mấy trợ lý thân cận còn kể, bà Thảo thích nấu ăn và vẫn nấu cơm cho gia đình mỗi dịp rảnh cuối tuần. Có lần gặp, tôi hỏi: “Nghe nói chị còn chăm gia đình hơn gái công sở thời nay?”. “Hàng tuần, mình vẫn dành ra thời gian để đọc truyện, đi xem phim cùng cậu con trai hoặc đưa cháu đi thi đấu thể thao, biểu diễn ca nhạc …”, bà nói. Hôm rồi, tôi gặp vợ chồng bà trong chuyến ra Hà Nội thăm bố mẹ già. Trông họ như một cặp đang đi hưởng tuần trăng mật. Nghe nói đó là cách họ tranh thủ mỗi dịp gần nhau. Dường như họ chỉ hẹn hò trên những chuyến bay.

Ít ai biết, khi mới 25 tuổi, bà Thảo vừa về Việt Nam và đã tham gia sáng lập, quản trị trong hội đồng quản trị một vài ngân hàng. Có lần, tôi hỏi bà, ở tuổi đó, một cô gái chỉ biết làm đẹp thôi? Bà nói: “Vậy mà tôi đã phải đưa ra những chiến lược kinh doanh và những giải pháp cho một vấn đề nào đó”. Sau buổi lễ ký kết mua hợp đồng máy bay với Airbus cách đây không lâu, John Leahy- Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus, hướng mắt về phía Madam Thảo rồi nói: “CEO Vietjet là người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung”. Ông này nói thêm: “Cứ thử đàm phán hợp đồng với bà ấy mà xem”.

Phía sau một trong những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh - 2

Bà Thảo trong chuyến thăm các em nhỏ mồ côi.

Ước mơ của bà mẹ bỉm sữa

Rất kín tiếng với truyền thông, bà hầu như không trả lời phỏng vấn. Chúng tôi chỉ tranh thủ chuyện trò như những người bạn. Nói về việc lập nên một hãng hàng không khiến cả thế giới biết đến, có lần, bà kể rằng nhìn thấy cơ hội tại một thị trường tiêu dùng gần 100 triệu dân, khao khát được sử dụng phương tiện máy bay hiện đại; nhưng khi đó vẫn là phương tiện xa xỉ, chỉ dành cho những người “có điều kiện”.  “Từ hơn 10 năm trước, khi cậu con trai đầu lòng được vài tháng tuổi, tôi đã nhìn thấy điều này và cảm nhận được rằng đó chính là công việc mình cần phải làm trong tương lai, nếu muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Và ngay tại thời chăm con nhỏ, tôi đã ấp ủ ước mơ làm hàng không, bắt đầu nghiên cứu về các hãng hàng không giá rẻ, gặp gỡ các CEO quản lý mảng hàng không giá rẻ như Jetstar, Air Asia và nghiên cứu lịch sử thành công của Southwest Airlines”, bà Thảo kể. 

Theo cách nói kiểu cư dân mạng hiện nay thì bà mẹ bỉm sữa lúc đó đã có nhiều nung nấu. Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu bà: Khách hàng cần gì, muốn gì, bản thân có thể đáp ứng gì, có thể làm hàng không chi phí thấp mà chất lượng cao hay không? Rồi phải làm gì để tạo ra những giá trị mới cho khách hàng. “Chúng tôi đã luôn nghĩ mới, nghĩ khác, nghĩ táo bạo để thay đổi và tạo nên một xu hướng tiêu dùng mới, một xu hướng đi máy bay mới, tiến tới đưa phương tiện hàng không trở thành dịch vụ phổ cập với người dân Việt Nam. Phát triển hãng hàng không của chúng tôi thành một hãng hàng không đa quốc gia, được yêu thích bậc nhất trong khu vực”, bà nói.

Hiện nay, đội máy bay và doanh thu của Vietjet tăng trưởng như vũ bão, doanh thu năm thứ 5 gấp 3 lần năm thứ 3. Bên cạnh đó, Vietjet đã tạo ra được hàng loạt lợi thế cạnh tranh. “Sau gần 5 năm hoạt động, Vietjet đã vươn lên dẫn đầu thị trường hàng không nội địa, hơn 90% khách hàng thường xuyên quay lại sử dụng dịch vụ của chúng tôi”, bà Thảo nói.

Khởi nghiệp chưa hẳn là startup!

Khởi nghiệp chưa hẳn là startup! - 1

Các bạn trẻ làm việc tại văn phòng của một công ty phát triển ứng dụng tìm kiếm các địa điểm ăn ngon tại Hà Nội - Ảnh: Reuters.

Ở thời điểm hiện tại, “khởi nghiệp” đang dần trở thành một khái niệm ngày càng “hot” hơn trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, thậm chí một trong những chương trình quốc gia quan trọng nhất từ nay đến năm 2020 cũng là “quốc gia khởi nghiệp”, với mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Nói cách khác, trọng tâm của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế mà Nhà nước và Chính phủ đang theo đuổi trong thời gian 5 năm tới là xoay quanh khái niệm “khởi nghiệp”, trong đó mọi nỗ lực cải cách trên nhiều phương diện đều hướng tới mục đích chính là tạo thuận lợi tối đa cho môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, nếu so sánh với phong trào khởi nghiệp đang khá thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì cách tiếp cận của Việt Nam với khái niệm “khởi nghiệp” đang có một số khác biệt nhất định. 

Trước hết, cách tiếp cận của Việt Nam với khái niệm “khởi nghiệp” hiện nay vừa rộng hơn mà cũng vừa hẹp hơn so với cách hiểu phổ biến trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, làn sóng khởi nghiệp hay còn được biết đến với cái tên startup được xem là một lĩnh vực kinh tế mới, dù về bản chất phần lớn các startup được xếp vào các lĩnh vực như dịch vụ hay công nghệ tùy thuộc vào sản phẩm mà startup cung cấp. Sở dĩ khởi nghiệp được nhiều quốc gia coi là một lĩnh vực kinh tế mới, là do sự linh hoạt, đa dạng và quan trọng nhất là dựa trên nền tảng sự sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ các ngành nghề thông thường. Chính vì vậy mà tại một số nước, startup được gọi là lĩnh vực kinh tế sáng tạo.

Điều này dẫn tới việc hầu hết các gói hỗ trợ từ phía chính phủ tại các quốc gia đều phải là những gói hỗ trợ đặc thù dành riêng cho startup, ngoài vốn thì còn có những khái niệm khá mới mẻ dành riêng cho giới startup như “vườn ươm”, “hệ sinh thái khởi nghiệp”… với những đặc điểm cấu tạo rất đặc thù. Thậm chí, lợi nhuận và doanh thu của giới startup cũng được tính thành hẳn một mục riêng trong GDP quốc gia, chẳng hạn như tại Ấn Độ năm 2015 doanh thu của các startup trên toàn quốc lên tới hơn 20 tỉ USD, tại Anh là khoảng 50 tỉ USD.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay với khái niệm “khởi nghiệp” lại có phần nghiêng theo nghĩa tự khởi sự kinh doanh với mục đích chủ yếu là tạo việc làm và tăng thu nhập thay vì hướng tới ý nghĩa phổ biến là một ngành kinh tế sáng tạo. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngay nội dung chủ đạo của chương trình “quốc gia khởi nghiệp” do Nhà nước và Chính phủ đặt ra. Đó là đặt trọng tâm vào việc tạo thêm khoảng 500.000 doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 không giới hạn về lĩnh vực hay ngành nghề kinh doanh.

Các hỗ trợ từ phía chính phủ và chính quyền các địa phương cho phong trào khởi nghiệp, vì thế cũng mang tính trải rộng ra khắp các ngành nghề và lĩnh vực với mục đích chính là thúc đẩy việc thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới. Điển hình là đề xuất bãi bỏ 36 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật sửa đổi bổ sung vừa được Chính phủ trình Quốc hội, hay 2 bản cam kết mà 53 tỉnh thành vừa ký cách đây hơn 1 tháng.

Điều này dẫn đến việc phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều khác biệt với các nước trên thế giới. Vì không đặt nền tảng là một ngành kinh tế dựa trên sự sáng tạo, nên chỉ số sáng tạo đổi mới của các startup Việt Nam kém xa so với quốc tế. Theo số liệu thống kê từ báo cáo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016” (GEM Việt Nam 2015) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thực hiện, thì chỉ số sáng tạo đổi mới của startup Việt Nam trong năm 2015 chỉ đạt 11,4%, xếp hạng 50 trong số 60 nước thực hiện GEM. Trong đó, mới về sản phẩm chỉ đạt mức 4,8%, mới về thị trường là 2,2%, mới về công nghệ là 4,4%.

Tỷ lệ startup hoạt động trong các lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp rất thấp, trong khi đây mới được xem là thước đo chính để xem xét một nước có nền khởi nghiệp mạnh hay không. Các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam cũng có định hướng quốc tế khá thấp, chỉ có 1,5% số startup là có trên 25% khách hàng nước ngoài, trong khi tỷ lệ này ở các nước tương tự Việt Nam lên tới 5,7%. Triển vọng tăng trưởng việc làm đối với các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt 3,9%, trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước tương tự lên tới 12,9% (theo The Saigon Times).

Các số liệu thống kê trong GEM Việt Nam 2015 cũng chỉ ra một thực tế rằng, đa phần khởi nghiệp ở Việt Nam là vì nhu cầu thiết yếu và mưu sinh hàng ngày. Theo đó, 37,4% người Việt Nam khởi sự kinh doanh là thuộc diện không có công việc ổn định và buộc phải tìm cách bươn chải bằng những công việc buôn bán nhỏ lẻ. Trong khi đó 62,6% còn lại cũng khởi sự kinh doanh vì các lý do khác như tăng thu nhập (chiếm 75%), duy trì thu nhập (18%) và độc lập hơn (7%) (theo The Saigon Times). Nói cách khác là vì những lý do tài chính và thu nhập hơn là vì muốn sử dụng khả năng sáng tạo và tận dụng cơ hội mà toàn cầu hóa cùng những đột phá mà công nghệ đem lại trong nền kinh tế.

Trên thực tế, đây cũng là điều không có gì khó hiểu. Nền kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn đang phát triển, nơi nhu cầu về công ăn việc làm tạo ra đầy đủ đáp ứng cho người lao động lớn hơn và cấp bách hơn rất nhiều. Khó có thể đòi hỏi một nền kinh tế tự thừa nhận rằng số doanh nghiệp hoạt động hiện vẫn còn quá ít và cơ hội việc làm cho người lao động không phải là đã dư thừa, phải phát triển ngành kinh tế sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ ở một mức độ nhất định. Startup theo nghĩa phổ biến trên thế giới hiện nay rõ ràng không phải là một hạt giống có thể đâm chồi ở bất cứ điều kiện nào cũng được, mà chỉ có thể nảy lộc tại những nơi hội tụ một số thuận lợi nhất định.

Nhưng hiểu khởi nghiệp theo nghĩa khuyến khích khởi sự kinh doanh trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế không đồng nghĩa với việc lãng quên đi các startup thực thụ cũng đang rất cần những hỗ trợ đặc thù. Báo cáo GEM Việt Nam 2015 rõ ràng đang chỉ ra một thực tế rằng, giới startup của Việt Nam hiện còn rất yếu và cần nhiều hỗ trợ hơn cho lĩnh vực đầy tiềm năng này. Đã đến lúc Việt Nam cần có sự phân biệt rạch ròi giữa “khởi nghiệp” và “startup”.