Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Doanh nhân nên bỏ lối làm ăn “quan hệ, đi đêm”

Doanh nhân nên bỏ lối làm ăn “quan hệ, đi đêm” - 1

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, đã qua rồi, thời doanh nhân “ngay kinh doanh, tối đi quan hệ”.

Theo ông Lộc, đã qua rồi thời các doanh nhân đi lên bằng quan hệ, không cần học hành và kinh doanh dựa trên khai thác tài nguyên. Các doanh nhân trong thời đại này cần phải có học hỏi, tập trung vào công nghệ và nâng cao khả năng quản trị chuyên nghiệp.

Các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ có thể coi là những nghị quyết có ý nghĩa khởi nghiệp. Chính phủ đang nghĩ mới làm mới, cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN và toàn cầu. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

 “Chính phủ quyết bỏ xin cho, doanh nghiệp chống “quan hệ” đang là xu hướng chính của công cuộc cải cách để hình thành một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính, có sức cạnh tranh cao”- ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, với các doanh nghiệp, cần tập trung cho mình chiến lược cốt lõi, đừng lan man. Còn về quản trị, phải chú trọng tính chuyên nghiệp, không hời hợt; đầu tư vào công nghệ chứ không dựa vào quan hệ. Cùng đó, phải liên kết, có tinh thần đồng đội, chứ không nên đánh quả lẻ, đi đêm. Doanh nhân thời đại mới phải đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, không phải là những trọc phú, và đừng vô cảm với xã hội, và môi trường.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nghiệp phải tạo ra sự khác biệt, nhưng phải vươn tới chuẩn mực toàn cầu. “Nhỏ mà đạt chuẩn, vào được chuẩn còn hơn lớn mà lạc điệu, cô đơn”- ông Lộc nói. Ông cũng “gút” lại với cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời bối cảnh, môi trường mới rằng: “Chính phủ quyết nâng bậc, doanh nghiệp phải nâng tầm; Chính phủ bỏ xin cho, doanh nghiệp không quan hệ”-ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cho rằng, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn được xếp hạng cao trong khu vực, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn.

Các “đại gia” của Việt Nam chủ yếu trong khu vực tài chính ngân hàng và bất động sản. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp thấp và còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lộc cũng cảnh báo, với những làn sóng hội nhập đang đến, tác động cộng hưởng của hội nhập với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 sẽ tạo ra những áp lực cực lớn với cả cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân.

Những lợi thế về tài nguyên và lao động sẽ suy giảm, thương mại quốc tế có xu hướng đảo chiều. Các ngành công nghiệp dựa vào lao động giá rẻ, tài nguyên có thể sẽ trở lại chính quốc ở châu Âu và Bắc Mỹ với công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D… với chi phí ngày càng giảm.

Theo ông Lộc, nền tảng của nền kinh tế trong điều kiện phát triển của Việt Nam trong những năm tới vẫn là công nghiệp, và chúng ta phải có được một thế hệ các nhà công nghiệp, làm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, IT… sẽ là các lĩnh vực của tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét