Mới đây, tại Ngân hàng (NH) TMCP Bản Việt, mức lãi suất kỳ hạn 18 tháng được niêm yết ở mức khá cao là 8,3%/năm, trong khi kỳ hạn 13 tháng cũng lên tới 7,9%/năm áp dụng cho khách hàng từ 39 tuổi trở lên.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, mức lãi suất huy động kỳ hạn dài tại một số NH cổ phần quy mô nhỏ và vừa đang ở mức khá cao. NH TMCP Việt Á huy động tiền gửi của khách hàng kỳ hạn 13 tháng lên tới 8,38%/năm áp dụng cho các khoản tiền từ 100 tỉ đồng trở lên, trong trường hợp này đơn vị kinh doanh sẽ báo cáo và được cấp thẩm quyền của Việt Á chấp thuận. Mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại Việt Á cũng khá cao so với mặt bằng chung thị trường, phổ biến từ 7,6%-7,7%/năm.
Trong biểu lãi suất mới vừa được áp dụng hôm cuối tuần rồi, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng của NH TMCP Phương Đông (OCB) là 7,7%/năm; ở kỳ hạn 13 tháng, lãi suất tiền gửi là 7,7%/năm với điều kiện khách hàng gửi từ 500 tỉ đồng trở lên. Hay tại NH TMCP Quốc dân, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng là 7,8%/năm và kỳ hạn 24 tháng lên 8%/năm.
Nhiều ngân hàng cổ phần thương mại đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài Ảnh: Tấn Thạnh
Nếu nhìn vào biểu lãi suất của nhiều NH thương mại nhà nước, các mức lãi suất kỳ hạn dài đang có sự chênh lệch khá lớn so với khối NH cổ phần quy mô vừa, nhỏ. Xu hướng tăng lãi suất kỳ hạn dài ở nhiều NH cũng ngược chiều so với động thái giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của nhiều NH quốc doanh mới đây.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có hội sở tại TP HCM cho rằng việc tăng lãi suất kỳ hạn dài của một số NH cổ phần có thể nhằm cân đối lại nguồn vốn và ổn định vốn trung - dài hạn. Thời gian qua, nhiều NH cho vay trung - dài hạn khá nhiều từ nguồn vốn huy động ngắn hạn, nhất là cho vay bất động sản, nay phải huy động vốn kỳ hạn dài để cân đối lại.
Đồng thời, theo quy định của NH Nhà nước đến đầu năm 2017, các NH phải kéo dài tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 60% hiện nay xuống chỉ còn 50% nên việc tăng lãi suất dài hạn để thu hút tiền gửi cũng là dễ hiểu.
Trước đó, khi các NH thương mại nhà nước đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 0,3%-0,5%/năm, NH Nhà nước cho rằng động thái này sẽ giúp tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Nay, xu hướng tăng lãi suất kỳ hạn dài của nhiều NH thương mại khiến thị trường lo ngại sẽ có đợt tăng lãi suất cho vay. Hiện mức lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường của các NH thương mại nhà nước từ 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3%-11%/năm đối với trung- dài hạn.
Dưới góc độ DN, động thái tăng lãi suất kỳ hạn dài của nhiều NH gây lo ngại về khả năng tăng lãi suất cho vay trung - dài hạn, nhất là khi cộng đồng DN đang bước vào mùa kinh doanh cuối năm với nhu cầu vốn tăng cao.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết khó tiếp cận nguồn vốn và chi phí vay vốn là trở ngại lớn nhất của DN không chỉ trong ngành bán lẻ mà nhiều ngành kinh tế khác. Cũng vì phụ thuộc lớn vốn vay NH nên theo nhiều DN, lãi suất cho vay dù chỉ nhích nhẹ cũng khiến họ lo lắng khi chi phí đầu vào tăng theo, nhất là trong bối cảnh kinh doanh còn khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét