Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh tiền bạc. Ảnh: Như Ý.
Tiền bạc để làm gì?
Hôm nay là ngày doanh nhân Việt Nam (13/10). Nếu được hỏi nghĩ gì, âu có lẽ lúc này trong bốn bức tường, người thấm và buồn nhất chính là ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
Từng xuất hiện trong hình ảnh một doanh nhân thành đạt - nổi đình đám trên thương trường, thậm chí liên tục lọt Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, nhưng cuối cùng ông Thắm lại có một kết cục đáng buồn khi chuẩn bị đối diện với vô số tội danh và một bản án nghiêm khắc đang chờ đợi.
Những gì là sai và trái với pháp luật, ông Thắm phải gánh và “trả giá”, ấy là tất yếu. Nhưng ngay cả khi có tiền, hỏi ông này có sướng không? Một người quen của ông Thắm từng kể lại chi tiết ngày ông Thắm mới bị bắt. Đó là làm doanh nhân, nhưng ông Thắm bận tối mắt mũi đến mức không có chút thời gian nào cho gia đình. Thậm chí đến cả sinh nhật vợ, người đã đồng cam cộng khổ cùng ông Thắm từ những ngày đầu, khi vợ ông nói chỉ có một ước muốn giản dị được ăn tối cùng chồng trong một nhà hàng ngay dưới Cầu Diễn mà ở đó trồng toàn hoa bưởi và sống trong mùi hương bưởi thì ông cũng thở dài mà động viên rằng: “Anh bận lắm, thôi để anh cho mua hoa bưởi về trải trong phòng tặng em”. Người quen này khi đó kể lại và nói: Làm doanh nghiệp như ông ấy thế sướng gì; tiền bạc để làm gì khi mà một chút thời gian dành cho gia đình gần như không có”.
Cữ áp Tết năm ngoái, trong một cuộc trò chuyện vui vẻ, ông chủ Geleximco kiêm Chủ tịch Ngân hàng An Bình (ABBANK) - doanh nhân Vũ Văn Tiền đã nói về sứ mệnh của những doanh nghiệp lớn. Ông Tiền thừa nhận, về tiền bạc cá nhân ông và gia đình chẳng bao giờ phải lo nghĩ, tiêu bao nhiêu lâu cũng không hết. Nhưng ông phải làm, ngay cả lúc ốm nhất cũng nghĩ đến việc phải làm, không chỉ đơn giản là nghĩ đến đồng tiền của mình mà nghĩ đến việc phải có trách nhiệm với xã hội.
“Nếu mọi người chỉ đơn giản nhìn vào và thấy chúng tôi kinh doanh để thu lợi nhuận là chưa đúng và đủ. Một doanh nghiệp khi đã lớn lên và vững vàng rồi, hơn cả đó là những gì cần phải làm và để lại cho xã hội (những năm qua ông Tiền và Tập đoàn làm từ thiện xã hội rất nhiều nhưng không công bố- PV). Bây giờ chỉ cần nghĩ, mình dừng lại, đằng sau lưng là cả một tập thể hàng ngàn con người rồi sẽ ra sao?”, ông Tiền khi đó nói.
Những “ông chủ” không ngày nghỉ
Nếu hỏi lĩnh vực nào hiện chịu áp lực và cường độ làm việc lớn nhất tại thời điểm này, có lẽ ngân hàng là một trong những nghề được chọn đầu tiên. Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh tiền bạc, thời gian và cơ hội. Bao nhiêu năm làm việc với giới nhà băng, chứng kiến áp lực và cường độ của giới này, thực sự nhiều khi người bên ngoài phải ngả mũ.
Còn nhớ trong một dịp lễ tết gần đây, một ngân hàng tổ chức tiệc liên hoan nho nhỏ. 19 giờ tối, bên mời cáo lỗi, chủ tịch chưa đến được bởi lý do vẫn đang họp Hội đồng quản trị. Hơn 20 giờ, thấy vị chủ tịch vội bước vào cùng hai cán bộ cốt cán phòng khách hàng doanh nghiệp và thẩm định rủi ro. Chỉ ngồi đúng 30 phút, không kịp ăn uống gì, vị chủ tịch đứng lên chào tất cả.
Theo lịch đã định sẵn ông vừa kể, sẽ là rẽ qua nhà lấy bộ quần áo lễ phục tươm tất; rồi phi xe cùng hai cán bộ trên đến Thanh Hóa vào quãng 23 h đêm. Để 7 giờ sáng mai kịp dự một lễ khai trương của một đối tác lớn ngân hàng sẽ rót vốn cho vay. Bảo lấy đâu sức mà làm việc nhiều thế? Vị này chỉ cười: “Công việc mà, quen rồi”. Còn giới nhân viên dưới quyền ông thì lắc đầu bái phục: “Có những ngày họp từ 8 giờ sáng đến tối khuya tới 5-6 cuộc họp với đủ các phòng ban bảo vệ kế hoạch năm. Vậy mà choáng nhất là “sếp” nhớ vanh vách từng đầu việc, từng con số, cấm bỏ qua tí nào”.
Hơn hai năm thi thoảng mới gặp, đã thấy thành viên HĐQT một ngân hàng cổ phần lớn tóc bạc trắng đầu. Đùa “anh tuổi trẻ tài cao sao bạc tóc sớm vậy?”, ông chỉ cười kể: “Triền miên là họp, họp nhiều đến nỗi bạc cả tóc”. Nói rồi cũng trải lòng: Công việc áp lực ghê gớm họp đã đành, rồi còn lo áp lực kế hoạch kinh doanh, lo quan hệ khách hàng, lo đối nội đối ngoại trăm bề đủ thứ. Chưa kể, không cẩn thận chỉ cần sai một ly có thể đi cả vạn dặm.
Trong một cuộc trò chuyện gần đây, qua điện thoại, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPbank ngày nào nay đã “giã từ” làng bank chuyển sang kinh doanh giáo dục (ông Sơn hiện là Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam) bảo: “Giờ anh thấy thoải mái lắm. Sáng đến trường làm quản lý, sắp xếp mọi việc; chiều rảnh thì đi đánh golf. Làm giáo dục, lợi nhuận thì không bằng làm ngân hàng nhưng nhẹ đầu em ạ”. Ông Sơn thừa nhận giờ nghĩ lại thời ở ngân hàng, đúng là đủ thứ áp lực, tiền nhiều hơn nhưng rủi ro cũng cao hơn. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét