Minh họa: Khều.
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế (như Ngân hàng Thế giới - WB), trị giá tài sản công của mỗi quốc gia thường bằng 4 lần GDP nước đó. Ở Việt Nam, tổng trị giá tài sản công còn có thể lớn hơn nhiều, do ngoài tài sản các cơ quan nhà nước nắm giữ, còn một lượng lớn tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước; và tài sản nhà nước được định nghĩa rộng hơn nhiều nước trên thế giới.
Loay hoay quản lý công sản
Tuy số lượng tài sản công rất lớn, nhưng Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008, mới đưa vào quản lý 4 loại tài sản gồm: Trụ sở và tài sản trên đất; quyền sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc; các tài sản khác do pháp luật quy định. Trị giá tài sản thuộc 4 nhóm này khoảng 1,04 triệu tỷ đồng (gần 50 tỷ USD).
Theo Bộ Tài chính, số tài sản này mới là một phần rất nhỏ trong tổng tài sản công, còn nhiều tài sản khác cũng được xem là tài sản công cần đưa vào quản lý, như: Các công trình cấp nước sạch (tổng trị giá hơn 20.000 tỷ đồng); Hệ thống đường bộ (hơn 39.000 tuyến đường, tổng trị giá hơn 1,83 triệu tỷ đồng); Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mỏ quặng… những tài sản này lâu nay ít được quan tâm, quản lý. Bộ Tài chính ước tính tổng số tài sản công phải lên tới 10 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng, bền vững cần được khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội.
Do luật hiện nay chưa bao quát hết số lượng tài sản công cần được phân định, quản lý, dẫn tới quy định còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, thất thoát, lãng phí, tham nhũng… Điển hình như xe công, hiện cả nước có hơn 37.000 xe công, sau khi Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, số xe dôi dư lên tới khoảng 7.000 xe. Số xe công dôi dư này Bộ Tài chính dự kiến sẽ thu hồi về để điều chuyển cho đơn vị còn thiếu, số xe quá hạn sử dụng sẽ được bán thanh lý.
Ngoài ra, với hơn 155.000 cơ sở nhà đất thuộc cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, có không ít bị sử dụng sai mục đích. Điển hình như mới đây Tổng Cty Đường sắt Việt Nam bị phát hiện định bán rẻ 2 lô “đất vàng” tại số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tổng công ty này dùng đất thuộc sở hữu nhà nước để góp vốn kinh doanh, sau đó doanh nghiệp báo cáo thua lỗ và tìm cách để bán thanh lý nhằm rút vốn. Qua hình thức này, đất “vàng” của nhà nước sẽ bị “phù phép” để chuyển cho tư nhân với giá rẻ. Rất may sự việc đã bị cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Vấn đề đầu tư, mua sắm tài sản công cũng còn nhiều việc phải bàn. Như với mua sắm ô tô công, để ngăn chặn tình trạng mua xe công vượt định mức, tiêu chuẩn gây lãng phí ngân sách, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính mua sắm ô tô công tập trung cấp Quốc gia từ năm 2016. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm chuẩn bị, tới tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã phải xin Thủ tướng hoãn thực hiện, do chưa xác định được nhu cầu mua ô tô công cả nước, vì một số đơn vị chậm báo cáo. Với các tài sản nhà nước khác, việc mua sắm tập trung cấp quốc gia tới nay cũng chưa thực hiện được.
Xe công bị sử dụng làm xe đưa dâu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chuyển từ miễn phí sang cho thuê
Hiện Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) nhằm: Khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành; Bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; Đáp ứng yêu cầu mới về khai thác nguồn lực từ tài sản công cho phát triển đất nước (điều chưa được chú trọng).
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, sửa luật hiện hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, đầy đủ. Qua đó khắc phục hạn chế nổi cộm trong quản lý và sử dụng tài sản công, như: Phân tán, thiếu thống nhất, phạm vi quản lý hạn hẹp…, dẫn tới việc quản lý lỏng lẻo, tùy tiện, sử dụng lãng phí, thất thoát, không đúng mục đích, đối tượng. Luật mới đảm bảo tích hợp tổng tài sản quốc gia để khai thác hiệu quả nhất, vì muốn quản lý được phải biết nó thế nào, hiện trạng ra sao. Như với xe công, sau thời gian rà soát, sắp xếp và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản nhà nước, nay Bộ Tài chính có thể biết chính xác cả nước có bao nhiêu xe công, đang ở đâu, biển số thế nào; biết chính xác bao nhiêu nhà thuộc sở hữu nhà nước, được xây ra sao, hao mòn thế nào…
Do nhiều thay đổi lớn, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành chỉ có 39 điều, nhưng dự thảo luật mới sửa đổi đã lên tới 137 điều, 10 chương. “Luật hiện hành quản lý số lượng tài sản công rất hạn hẹp, số thu ngân sách nhà nước từ tài sản công cho thuê hằng năm mới gần 100.000 tỷ đồng. Nếu luật mới được thông qua và nghiêm túc triển khai, số ngân sách thu được từ khai thác tài sản công sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Thắng nói.
Dự thảo luật sửa đổi lần này còn một số điểm mới như, chuyển từ giao đất công cho các đơn vị, tổ chức xã hội nghề nghiệp sử dụng, sẽ chuyển sang cho thuê. Bổ sung quy định, cho phép các cơ quan có thể tự vận hành hoặc thuê đơn vị dịch vụ để vận hành, khai thác tài sản công, như thuê đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, bảo vệ. Luật mới cũng quy định rõ ràng về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công tại doanh nghiệp; quản lý và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai…
Theo ông Thắng, thực thi luật hiện hành có nơi, có lúc chưa nghiêm, đặc biệt về chế độ, định mức, định lượng sử dụng tài sản công, do quy định xử lý vi phạm chưa đủ và chưa nghiêm. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi lần này phần xử lý vi phạm rất được ưu tiên và chặt chẽ hơn. Người vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản công nếu gây thiệt hại phải bồi hoàn toàn bộ, sau đó có thể xử phạt hành chính, kỷ luật hoặc hình sự.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đã được xây dựng từ năm 2013, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tháng 10 năm nay, và sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 5/2017, có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo Bộ Tài chính, luật hiện hành chủ yếu quản lý tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, còn luật mới coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét