Ngân hàng niêm phong nơi ở của gia đình ông Sơn, bà Thúy và cũng là Chi nhánh Công ty TNHH thương mại Thúy Sơn, số 22-24 Ca Văn Thỉnh, phường 11, quận Tân Bình. Ảnh: Quốc Ngọc.
Chị D. cho biết công ty của vợ chồng Thúy - Sơn chuyên cung cấp sợi dệt vải. Sau một thời gian hoạt động tạo lòng tin, khoảng 3 năm trở lại đây, họ bắt đầu huy động vốn nên nhiều người mang tiền tỷ đến cho vợ chồng này mượn. Lãi suất nhận mỗi tháng từ 1-2,5%. “Chỗ làm ăn quen biết, thấy vợ chồng họ cũng chịu khó nên tin tưởng. Thúy bảo mượn trả lãi 1-2% một tháng. Tôi đã cho mượn tổng cộng 33 tỷ đồng”. chị D. nói.
Nạn nhân thứ hai là chị P. khi cho vợ chồng ông Sơn vay 22 tỷ đồng. Các chủ nợ hoảng hốt khi phát hiện cả gia đình ông Sơn, bà Thúy đã “biến mất”. Nhân viên của công ty cũng không làm việc. Chi nhánh công ty tại căn nhà số 22-24 Ca Văn Thỉnh (phường 11, quận Tân Bình) và những căn nhà khác của vợ chồng Thúy Sơn gần đó bị ngân hàng niêm phong. Các khoản tiền vay của mọi người, chỉ được phía Thúy Sơn viết giấy tay, đóng dấu vuông. Tổng cộng từ năm 2014 đến tháng 8/2016, công ty đã “huy động” số tiền hơn 145 tỷ đồng và đã trả lãi được hơn 28 tỷ đồng.
Theo anh T.S., người cũng cho Thúy Sơn vay 11 tỷ đồng, các nạn nhân đã làm bản tường trình tố giác vợ chồng Thúy Sơn tại Công an phường 11, quận Tân Bình sau khi sự việc xảy ra. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau, Công an quận Tân Bình đã mời người dân lên thông báo không giải quyết thông tin tố giác tội phạm. Vì căn cứ hồ sơ do Công an phường 11 chuyển lên, nội dung tố giác ông Sơn, bà Thúy là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án dân sự (?)
Người dân đặt nghi vấn Trưởng công an phường có quan hệ thân thiết với vợ chồng Thúy - Sơn?!. Một nạn nhân cho biết, dù hai vợ chồng này đã “biến mất” suốt hơn 1 tháng nay, nhưng công an phường phủ nhận việc bỏ trốn của hai vợ chồng này, cho rằng họ chỉ đi khỏi địa phương? Phóng viên đã đến trụ sở công an phường để trao đổi về vụ việc thì được cho biết cứ hỏi Công an thành phố (?) Phóng viên đã nhiều lần điện thoại, nhắn tin cho Trưởng công an phường nhằm xác minh thông tin người dân nghi vấn ở trên, nhưng đều không nhận được hồi âm. Liên lạc với Công an quận Tân Bình, chúng tôi được hướng dẫn liên hệ với một phó công an quận để tìm hiểu vụ việc, nhưng vị này lại trả lời không biết (?)
Trao đổi với Tiền Phong ngày 1/10, bà Nguyễn Thị Liễu - Chánh văn phòng UBND quận Tân Bình - cho biết, sau khi nhận được thông tin từ báo chí, đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin. “Trong vài ngày tới, UBND phường 11 sẽ mời những người dân có liên quan đến để gặp chủ doanh nghiệp Thúy Sơn để tiến hành hòa giải. Nếu không thỏa thuận được với nhau, sẽ đưa vụ việc ra tòa”, bà Liễu nói.
Theo bà, vụ việc sẽ giải quyết theo hướng tranh chấp dân sự nhưng vẫn phải yêu cầu địa phương tiếp tục xác minh, nắm tình hình cẩn thận. Bà cũng sẽ báo cáo Thường trực UBND quận các thông tin liên quan mà phóng viên cung cấp. Trong đó, sẽ cho xác minh lại thông tin về Trưởng công an phường 11, số tiền 145 tỷ đồng của dân và việc bỏ trốn của vợ chồng Thúy - Sơn.
Có dấu hiệu hình sự Trao đổi với phóng viên, luật sư Phùng Thanh Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, mặc dù ban đầu, việc vay mượn ở đây là những giao dịch dân sự. Tuy nhiên, do bà Thúy, ông Sơn không còn ở nơi cư trú hơn một tháng nay và các chủ nợ không liên lạc được thì rõ ràng đây là hành vi bỏ trốn. Do đó, có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999. Và khi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra công an quận nơi đương sự cư trú phải tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can. “Trường hợp Công an quận Tân Bình ra thông báo vụ việc không có dấu hiệu hình sự thì các bị hại có thể làm đơn khiếu nại hành vi không xử lý đến VKSND cùng cấp, thủ trưởng cơ quan điều tra”, ông Sơn nói. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét